6 món ăn ngày Tết miền Tây Nam Bộ bạn nên biết
Toc
Cập nhật vào 05/12
Mỗi vùng miền có nét văn hóa ẩm thực ngày Tết khác nhau. Các món ăn ngày Tết ở miền Tây Nam Bộ cũng thể hiện chất riêng của miền sông nước.
Mâm cỗ cần thể hiện sự tôn kính với tổ tiên, nét văn hóa đặc sắc qua các hương vị chua cay mặn ngọt của từng món ăn. Nào hãy cùng chúng tôi tham khảo những món ăn ngày Tết miền Tây Nam Bộ sau đây:
Nội dung chính
1. Mâm ngũ quả
Nói đến ngày Tết thì phải có mâm ngũ quả. Đây là đặc trưng của ngày Tết Việt Nam nhưng mỗi nơi lại có cách sắp xếp khác nhau. Mâm ngũ quả của người miền Tây không bao giờ có chuối vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết vì câu “quýt làm cam chịu”.
Mâm ngũ quả của người dân miền Tây thường gồm các loại trái như mãng cầu, dừa, đu đủ, sung vì nó tượng trưng cho “Cầu vừa (dừa) đủ sung”. Nếu không tìm được sung thì có thể thay bằng xoài thành “cầu vừa đủ sài (xoài)”, hoặc trái dứa. Những năm gần đây, người ta thường trưng thêm dưa hấu có trang trí hình linh vật, thường là Rồng, Phượng hay linh vật biểu tượng của năm đó.
2. Bánh tét
Nếu miền Bắc có bánh chưng thì miền Nam lại có bánh tét, bánh tét tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời khác. Đây là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Bánh tét Nam Bộ vô cùng phong phú, đa dạng: bánh tét mặn, bánh tét chay, bánh tét lá cẩm, bánh tét mật cật,… những món bánh vừa thơm ngon lại vừa mang tính thẩm mỹ.
Bánh tét thường được gói trước nửa tháng, dùng để cúng tổ tiên trong ngày Tết, ngoài ra còn được dùng làm quà biếu. Để có chiếc bánh tét ngon phải có lá cẩm ngon, nếp mù u dẻo tròn. Trước khi gói đem gạo nếp vo sạch, để ráo nước rồi xào với nước cốt dừa và nước lá cẩm.
Nhân bánh gồm các nguyên liệu như: chuối, đậu xanh, giò heo bắc thẻo, thịt, trứng, nấm,… tất cả được gói thành đòn dài. Sau đó đem luộc. Khi ăn, bánh được cắt ra thành từng lát, mỗi lát có màu tím thẫm của chuối, màu trắng của mỡ, đỏ cam của trứng vịt muối, màu vàng của đậu. Bánh tét được ăn cùng thịt kho tàu, dưa cải, củ kiệu vô cùng hấp dẫn.
3. Thịt kho tàu
Một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Tây Nam Bộ là thịt kho tàu, thịt kho hột vịt hay thịt kho nước dừa. Chỉ có ở miền Nam mới có cách nấu thịt kho ngon, hấp dẫn không nơi đâu sánh bằng.
Món thịt kho tàu gồm có thịt ba rọi (ba chỉ) thái to (khoảng 4cm), chân giò nấu chung với một trái dừa xiêm để thịt kho lạt đi, ăn được nhiều. Thịt được hầm nhừ với vài vị thuốc Bắc, có thể thêm vào hột vịt luộc gọi là thịt kho hột vịt.
Khi nấu, thịt được nấu sôi với nước dừa cho trứng đã luộc chín vào kho chung, ninh đến khi thịt mềm, nước chuyển màu cánh gián là được. Món thịt kho này được ăn kèm với cơm trắng và dưa giá rất tuyệt.
4. Canh khổ qua (Canh mướp đắng)
Canh khổ qua cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết ở miền Tây Nam Bộ. Theo quan niệm, ăn canh khổ qua để mong ước sẽ qua đi sự cơ cực, không may mắn, bắt đầu một năm mới tươi sáng. Món canh tuy hơi đắng nhưng có tác dụng tốt cho cơ thể.
Canh khổ qua được nấu từ những trái khổ qua tươi, cạo bỏ ruột rồi nhồi thịt băm nhỏ vào bên trong. Sau đó dùng nước hầm xương để nấu canh khổ qua. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị đắng của khổ qua hòa lẫn với vị ngọt của thịt. Nước canh hơi đắng nhưng có tác dụng giải ngán rất tốt khi ăn nhiều đạm trong ngày Tết.
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm các món đặc sản của vùng Tây Nam Bộ tại: đặc sản miền Tây.
5. Bánh tráng cuốn
Món ăn chơi ngày Tết còn có bánh tráng. Có nhiều loại bánh tráng khác nhau, bánh tráng nhúng để cuốn ăn với thịt, rau, cá… trong bữa cơm, bánh tráng nướng hoặc bánh tráng sữa thì ăn tráng miệng, ăn chơi. Những miếng bánh tráng trắng phau được làm từ bột gạo tráng thành từng miếng mỏng dùng để cuốn với thức ăn.
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm các món ăn ngon của miền Nam tại: món ngon miền Nam.
6. Củ kiệu tôm khô
Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến món củ kiệu tôm khô, món ăn bình dị luôn xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết. Củ kiệu được làm sạch rồi đem phơi, sau đó cho vào lọ cứ 1 lớp củ kiệu thì cho 1 lớp đường cát trắng, đậy kín để kiệu tự chảy ra nước, khoảng 10 ngày là ăn được. Củ kiệu được ăn cùng với tôm khô sẽ tạo thành một món ăn rất ngon.
Trên đây là những món ăn cổ truyền có trong ngày Tết, mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực của người miền Tây Nam Bộ. Các món ăn cũng như cách trình bày các món ăn trong ngày Tết là một phong tục đặc trưng của người Việt. Mọi người trong gia đình sum họp đông đủ cùng thưởng thức hương vị các món ăn ngon của ngày Tết, cầu mong 1 năm mới hạnh phúc.
Nếu bạn quan tâm đến các món ăn Nam Bộ có thể tham khảo các bài viết sau:
- Đặc sản trái cây Nam Bộ
- Đặc sản trái cây Kiên Giang